top of page

Nhờ Trump mà người Mỹ gốc Á có cảm tình hơn với Đảng Dân chủ

Translated from The Washington Post's article Thanks to Trump’s rhetoric, Asian Americans are moving toward the Democratic Party


Khi tỉ lệ người Mỹ gốc Á dần trở nên đáng kể trong bộ phận cử tri, họ bắt đầu có sức ảnh hưởng chính trị lên mọi cấp bậc chính quyền.

By Nathan Kar Ming Chan, Jae Yeon Kim, Vivien Leung, on 29-03-2021, 13:00:00

Khi tỉ lệ người Mỹ gốc Á dần trở nên đáng kể trong bộ phận cử tri, họ bắt đầu có sức ảnh hưởng chính trị lên mọi cấp bậc chính quyền. Trong lúc các nhà lập pháp nữ người Mỹ gốc Á và Tổng Thống Biden lên án sự bài ngoài và căm thù nhằm vào người gốc Á, cựu Tổng Thống Donald Trump tiếp tục lan truyền các lời lẽ hiềm khích nhằm vào người châu Á. Vào ngày 17 tháng Ba, cùng ngày 6 phụ nữ gốc Á và 2 người khác bị giết hại ở Atlanta, ông Trump lại dùng cụm từ “cúm Tàu” để chỉ Covid-19, khiến cụm từ này trở nên phổ biến trên Twitter. Các vụ hành hung người Mỹ gốc Á, đặc biệt vào người cao tuổi, được ghi nhận ngày càng nhiều kể từ khi Trump gán sắc dân này với tên dịch bệnh vào năm ngoái. Chúng tôi xem xét làm cách nào ông Trump chủng tộc hóa Covid-19 và làm chủ nghĩa bài Á châu tồi tệ hơn trong dân chúng Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng tìm hiểu liệu điều này có tác động đến thái độ chính trị của người Mỹ gốc Á. Câu trả lời là có. Không những chủ nghĩa bài Á châu tăng lên kể từ đầu mùa dịch, mà dần dần nhiều người Mỹ gốc Á đã chuyển sang ủng hộ đảng Dân Chủ trong năm qua. Phương pháp luận: Để hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa các luận điểm của giới chính trị gia, thái độ bài Á châu, và quan điểm chính trị của người Mỹ gốc Á, chúng tôi nghiên cứu dữ liệu từ mạng xã hội lẫn khảo sát dư luận. Đầu tiên, chúng tôi phân tích mức độ phổ biến của chủ nghĩa bài Á châu trong công chúng bằng một bộ dữ liệu quy mô lớn về Covid-19, được tạo bởi phòng lab Panacea, từ các tweet được đăng lên Twitter giữa tháng Giêng và tháng Sáu 2020. Từ đó, chúng tôi thu thập được 1.39 triệu tweet được đăng bởi người dùng ở Mỹ, được viết bằng tiếng Anh, và liên quan đến Covid-19, và sau đó tìm những từ khóa miệt thị Á châu như “cúm Tàu” và “kung flu” trong các tweet này. Chúng tôi tìm thấy rằng việc Trump dùng những cụm từ ấy có mối liên hệ với sự phổ biến đến chóng mặt của chúng trên mạng xã hội. Số lần sử dụng cụm từ “cúm Tàu” và “kung flu” tăng theo cấp số nhân sau lần đầu Trump nhắc đến chúng trong bài phát biểu đầu tiên về “virus Tàu.” Chúng tôi cũng phát hiện ra xu hướng tương tự trong công cụ tìm kiếm của Google. Tiếp theo, bằng một phương pháp machine-learning tên là topic modeling, chúng tôi xem xét các tweet ấy ở mức độ rộng rãi hơn để tìm ra mối liên hệ giữa chủ nghĩa bài Á châu và đại dịch. Kết quả cho thấy vào tháng Giêng 2020 đã tồn tại hiện tượng bài ngoại này trên Twitter. Tuy nhiên, cho dù Trump không kích động phong trào ấy, ông ta đã đổ thêm dầu vào lửa bằng cách chủng tộc hóa các cụm từ liên quan đến dịch bệnh và ngụ ý rằng có mối liên hệ giữa người Á châu và con virus. Diễn ngôn như trên có ảnh hưởng tới quan điểm chính trị của người Mỹ gốc Á? Tiếp theo, chúng tôi tìm hiểu xem thái độ bài ngoại, do những chính trị gia như Trump kích động, định hình quan điểm chính trị của người Mỹ gốc Á như thế nào. Chúng tôi sử dụng dữ liệu khảo sát hàng tuần từ Quỹ Democracy and Nationscape của đại học UCLA giữa tháng 7/2019 và 5/2020 để kiểm tra. Mỗi tuần, việc lấy mẫu có mục đích được tiến hành để chọn ra mẫu đại diện nhất cho quần thể nghiên cứu. Dữ liệu sau đó được trọng số hóa theo giới tính, vùng miền, chủng tộc, trình độ giáo dục, tuổi, ngôn ngữ nói tại nhà, và nơi sinh, như trong Khảo sát Cộng đồng Hoa Kỳ 2018. Nhờ vào số lượng khảo sát lớn thực hiện hàng tuần, chúng tôi có thể theo dõi được sự dịch chuyển đảng phái của người Mỹ gốc Á. Chúng tôi nhận thấy rằng có mối liên hệ giữa việc Trump gán người Mỹ gốc Á với cụm từ “cúm Tàu” và hiện tượng sắc dân này dần chuyển sang ủng hộ đảng Dân chủ và Joe Biden một cách tương đối đáng kể. Ngay cả một tháng sau phát ngôn kích động đầu tiên của Trump, tỉ lệ người Mỹ gốc Á ủng hộ đảng Dân Chủ tăng thêm 2%. Hiện tượng này rất đáng chú ý vì phần lớn người Mỹ gốc Á không theo một đảng phái nào nhất định. Khi thực hiện cùng phương pháp phân tích cho các sắc dân khác, chúng tôi phát hiện sự thay đổi quan điểm chính trị trong các cộng đồng ấy không nhất quán hay đáng kể như với người Mỹ gốc Á. Kể từ đó, hiện tượng chuyển dịch đảng phái này vẫn tiếp tục. Một khảo sát giữa những người Mỹ gốc Á được tiến hành vào cuối năm 2020, sau khoảng thời gian mà nghiên cứu của chúng tôi xem xét, chỉ ra rằng 44% ủng hộ đảng Dân Chủ, trong khi năm 2016 chỉ có 36%. Bàn luận Kết quả của chúng tôi nhất quán với kết quả của nghiên cứu về khoa học chính trị khác. Ví dụ, Ben Newman và cộng sự cho thấy các diễn ngôn của Trump thúc đẩy các hành vi phân biệt chủng tộc diễn ra núp bóng thiên kiến cá nhân, và gọi hiện tượng này là “Hiệu ứng Trump”. Tương tự, Alexander Kuo, Neil Malhotra và Cecilia Mo chỉ ra rằng người Mỹ gốc Á coi đảng Cộng Hòa là thù địch với màu da của mình. Khi một số người da trắng cho rằng sắc dân này không thuộc về nước Mỹ, thì người Mỹ gốc Á quay sang đảng Dân Chủ và nhìn đảng Cộng Hòa với ánh mắt tiêu cực. Cuộc tấn công chết người ở Atlanta, cùng với những vụ việc khác xảy ra trên toàn quốc, đã mang đến sự phẫn nộ và đau buồn cho các cộng đồng người Mỹ gốc Á cùng lời kêu gọi đoàn kết chống lại chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Theo cuộc Khảo sát Cử tri Mỹ gốc Á, 33% người Mỹ gốc Á vẫn chọn không đứng về phía đảng nào. Tuy nhiên, nếu như các lãnh đạo Đảng Cộng hòa tiếp tục chủng tộc hóa đại dịch và nếu những tội ác thù ghét vẫn diễn ra, người Mỹ gốc Á sẽ dần trở thành khối trung thành bỏ phiếu cho phía Dân chủ. Điều này có ý nghĩa chính trị to lớn ở mọi mức độ chính phủ Hoa Kỳ, bởi người Mỹ gốc Á đang và sẽ tiếp tục trở thành khối cử tri lớn mạnh ở nước này.


Người dịch: Nhan Tran & Duong Nguyen

Biên tập: Tung Nguyen




bottom of page