top of page

Một phụ nữ Da Đen bị tăng gấp đôi án tù giam vì bà "đi bầu bất hợp pháp"

Updated: Sep 22, 2020

Sam Levine, ngày 21 tháng 7, 2020


Translated from The Guardian article A black woman faces prison for a voting mistake. Prosecutors just doubled the charges

Năm 1903, Charles Aycock, thống đốc tiểu bang North Carolina từng nói “giải pháp để thoát khỏi vấn đề người Da Đen là tước bỏ quyền công dân của họ.”


Một công tố viên ở Bắc Carolina đã tăng gấp đôi tội trạng đối với bà Lanisha Bratcher, một phụ nữ gốc Phi Châu về cáo buộc “gian lận bầu cử” (voter fraud) sau khi đã dùng một đạo luật có tính kỳ thị chủng tộc để truy tố bà.


Bà Bratcher, 32 tuổi, đã đi bỏ phiếu vào năm 2016. Vấn đề không có gì xảy ra nếu thời gian này, bà Bratcher đã không bị quản chế vì tội hành hung. Theo luật của North Carolina, bang này cấm những người bị quản chế vì phạm tội thực hiện quyền bỏ phiếu. Lanisha Bratcher nói rằng bà không biết điều (luật) đó.


Tuy nhiên luật sư của thành phố Hoke, nơi bà Bratcher đã đi bỏ phiếu đã quyết định cáo buộc bà tội nghiêm trọng vì đi bỏ phiếu trong thời gian còn thi hành án. Bà Bratcher phải nhận 9 tháng tù giam.


Cuối năm ngoái, vụ án đã bị tạm hoãn. Do đó bà Bratcher bắt đầu làm việc tại một cửa tiệm làm đẹp và đang chờ đứa con thứ ba ra đời vào tháng 12. Nhưng vào đầu tháng 6, 2020, văn phòng biện lý quận đưa ra các cáo buộc mới đối với bà Bratcher. Theo lời các công tố viên nói với luật sư của bà, họ dự tính bác bỏ cáo trạng ban đầu, nhưng đưa ra hai bản cáo trạng mới, theo điều khoản khác của cùng một điều luật khiến sai phạm của bà Bratcher trở thành trọng tội.


Sự thay đổi này cho phép luật sư của Hoke County tăng gấp đôi cáo buộc với bà Bratcher. Ban đầu, bà chỉ bị buộc trọng tội vì đã bỏ phiếu trái luật. Nhưng, vì trước đó bà đã thề là mình đủ điều kiện để làm cử tri và bỏ phiếu sớm, nêm bà Bratcher phải đối mặt với mức án cao hơn là 19 tháng tù giam, thay vì 9 tháng như bản án cũ.


Luật sư của bà Bratcher, ông John Carella, nói: “Có vẻ như bà ấy đang bị trừng phạt hoặc bà là mục tiêu của sự chống trả.”


Không riêng bà Bratcher, những quyết định ban đầu chống lại hành động được gọi là “gian lận cử tri” còn xảy ra với hai người Mỹ gốc Phi khác ở Hoke County. Đó là những quyết định buộc tội thất thường.


Một bản điều tra về dữ liệu do tờ The Guardian tìm được cho thấy các công tố viên trên khắp tiểu bang đã không chọn theo đuổi các vụ án như thế.


Khoảng một năm trước khi bà Bratcher bị buộc tội, các nhà điều tra từ ủy ban bầu cử tiểu bang đã viết một lá thư cho bà Kristy Newton, luật sư của quận Hoke, nói rằng có nhiều tội danh không liên quan đến hạn chế trong việc bỏ phiếu. Theo luật sư Kristy, có thể bà Bratcher và ba người khác chỉ là đã phạm một sai lầm.


Các nhà điều tra nói với công tố viên rằng họ không có đủ tình tiết để tìm hiểu vụ án Bratcher. Bà Newton đã chọn cách đưa ra cáo buộc bằng mọi giá. Sau khi các cáo buộc được công bố, hình ảnh của bà Bratcher và các bị cáo khác xuất hiện trên truyền thông địa phương. Một trong ba người đàn ông khác bị kết có tội. Các cáo buộc chống lại hai bị cáo khác vẫn đang chờ xử lý.


Trong cáo trạng ban đầu, luật sư của bà Bratcher, ông John Carella lập luận rằng luật tiểu bang không chấp nhận quyền cử tri của những người phạm trọng tội là vi hiến và phân biệt chủng tộc. Trong hồ sơ toà án, ông lưu ý, luật tước quyền công dân của người phạm (trọng) tội ở North Carolina có từ cuối thế kỷ 19. Những nhà làm luật vốn là người Mỹ trắng đã dùng nó như một công cụ để bác bỏ nhân quyền của người Mỹ gốc Phi và phủ nhận quyền chính trị của họ sau nội chiến.


Một cẩm nang từ đảng Dân chủ (trước khi hai đảng đổi chương trình chính trị cho nhau vào những năm 1960s) của North Carolina có từ năm 1898 đề cập về việc giải cứu những người Da Trắng ở bờ Đông khỏi sự thống trị của người Da Đen (negro domination.) Năm 1903, Charles Aycock, thống đốc tiểu bang North Carolina từng nói “giải pháp để thoát khỏi vấn đề người Da Đen là tước bỏ quyền công dân của họ.”


Trong tài liệu của North Carolina History Online Resource có nói, những người “siêu quyền lực trắng” như Thống đốc Aycock đều tin rằng tất cả những người Da Đen đương nhiên là một chủng tộc hạ đẳng, không giống con người và kém thông minh hơn người da trắng. Những người đó tin rằng người da trắng có trách nhiệm như một chủng tộc ưu việt, giúp đỡ người da màu đạt được tiềm năng có trong họ, cho dù không bao giờ họ có thể bằng người da trắng.


Kể từ thế kỷ 19, các nhà lập pháp North Carolina đã điều chỉnh luật, nhưng thực tế cốt lõi của nó là tước quyền bầu cử của các tội phạm trong lúc họ đang thi hành án. Trong số 441 người bị kết án mà tiểu bang nghi ngờ bỏ phiếu năm 2016, 68% là người Da Đen. Vào cuối năm 2016, người Mỹ gốc Phi chiếm 46% trong số 52,000 người được tạm tha hoặc đang trong thời gian quản chế và 22% người đã đi bầu cử ở bang này.


Nói về những trường hợp như của bà Lanisha Bratcher, luật sư John Carella cho rằng vụ khởi tố như thế nhằm đe doạ các cử tri Da Đen ở North Carolina.


Ông David Freedman, luật sư bào chữa các vụ án hình sự ở North Carolina, vốn không liên quan đến vụ án của bà Bratcher, nhận định rằng: “Khi một công tố viên chuyển đổi cáo buộc, vì họ cảm thấy phải như vậy hay bất kỳ lý do gì, thì bằng chứng đó sẽ dễ bị kết án với mức án mới hơn là cáo buộc cũ.”


Đối với trường hợp của bà Bratcher, các cáo buộc mới sẽ yêu cầu các công tố viên chứng minh là bà Bratcher đã hoàn toàn biết việc bà ấy đi bỏ phiếu là sai luật. Mặc dù, bà Bratcher nói rằng bà không biết mình không đủ tư cách.


Nhưng, các công tố viên có thể dựa vào thực tế là bà đã ký vào sổ ghi danh cử tri và đơn xin bỏ phiếu sớm. Cả hai hồ sơ này đều có cảnh báo việc không thể bỏ phiếu trong lúc đang chấp hành án nghiêm trọng.


“Bằng chứng với chữ ký của bà Bratcher sẽ làm tăng sức mạnh của việc truy tố,” luật sư Freedman nói.


Luật sư Freedman cũng nói thêm, ông không thấy công lý trong vụ án này. Ông tự hỏi không biết tại sao công tố viên vẫn theo đuổi việc này trong khi mọi thứ khác đang diễn ra?


Những thứ khác mà luật sư Freedman muốn nói, đó là các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Mỹ hơn hai tháng qua, phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc “có hệ thống” sau cái chết của người đàn ông Da Đen George Floyd.


“Cố tình im lặng trước các cuộc tranh luận, tăng các hình phạt và tiếp tục thực hiện vụ án này thì thật sự là một sự kinh ngạc. Nó đang xảy ra ngay lúc này.” Luật sư Carella nói.


Trải qua rất nhiều thế kỷ, người Mỹ Da Trắng đã cố gắng giải quyết “Vấn đề Người Da Đen” (Negro problem.) Nhưng, thực tế cũng cho thấy, những lời của Thomas Jefferson viết vào tháng 6 năm 1776, tại bàn viết của ông trong căn phòng trọ ở Philadelphia: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” hình như chưa bao giờ là hiện thực.


Translation by Kalynh Ng.

bottom of page